Chính phủ đã buộc phải trì hoãn chuyến bay trục xuất người đến Rwanda đầu tiên sau khi các nhà vận động bắt đầu chiến dịch pháp lý chống lại chính sách mới.
Cuối tuần trước, thủ tướng Boris Johnson cho biết 50 người xin tị nạn đã nhận được thông báo về chuyến bay đến quốc gia Đông Phi. Chuyến bay dự kiến diễn ra trong vòng hai tuần – vào cuối tháng 5.
Các nhà vận động đã nhận được thông báo vào tối thứ Tư 17/5, theo đó các chuyến bay Rwanda sẽ không được thực hiện cho đến ít nhất là ngày 6 tháng Sáu.
Clare Moseley – người sáng lập tổ chức từ thiện cho người tị nạn Care4Calais, cho biết cô rất “nhẹ nhõm”trước quyết định này: “Đây là phản hồi trực tiếp cho lá thư thứ hai của chúng tôi, nằm trong hành động pháp lý chống lại kế hoạch Rwanda. Cho đến tối qua Chính phủ vẫn thông báo các chuyến bay có thể diễn ra vào tuần tới”.
Kế hoạch của chính phủ nhằm gửi người xin tị nạn tới nơi cách xa nước Anh 4,000 dặm đã bị các tổ chức từ thiện và chính trị gia trên toàn thế giới chỉ trích là “tàn nhẫn một cách đáng xấu hổ” khi lần đầu được công bố.
Nhiều nghi ngại cũng được đặt ra liên quan đến chi phí lớn cho các chuyến bay đưa người xin tị nạn đi, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ cho rằng gửi người tị nạn đến Khách sạn 5 sao Ritz còn rẻ hơn.
Bà Patel vẫn ủng hộ kế hoạch Rwanda và nói rằng công việc đang được tiến hành “ngay bây giờ”. Bộ trưởng cho biết đã thảo luận về tiến độ thỏa thuận trong cuộc họp với ngoại trưởng Rwanda, ông Vincent Biruta.
Hai quan chức đã đến Geneva vào giữa tháng Năm để tham dự các cuộc họp với cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, UNHCR và các cơ quan khác.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết đang “thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch mang tính tiên phong trên toàn thế giới, vốn là phiên bản thu nhỏ của cách tiếp cận quốc tế cần thiết để giải quyết thách thức khủng hoảng di cư”.
Kể từ đầu năm nay, 8,697 người đã đến Anh sau khi bằng thuyền nhỏ, theo phân tích dữ liệu chính phủ của hãng thông tấn PA. Người di cư tiếp tục vượt biển vào thứ Năm 19/5 sau khi thời tiết đẹp hơn.
Tuy nhiên, các nhà vận động như Care4Calais cho biết họ “quan ngại nghiêm trọng” về chính sách này và có kế hoạch khởi động một cuộc xem xét tư pháp. Bà Moseley vẫn đang làm việc để bảo vệ những người di cư bị giam giữ trong các cơ sở của Bộ Nội vụ để chờ trục xuất.
Bà Moseley nói: “Cho đến nay, chúng tôi đã tìm thấy 6 người và câu chuyện của họ thật đau lòng. Họ đã trốn thoát khỏi sự tàn ác ở quê nhà và bị ép buộc lao động, tra tấn và bóc lột trên những chặng đường dài để đến được nơi an toàn. Tuy nhiên, bây giờ họ đang phải đối mặt với thử thách đáng sợ là bị trục xuất đến một đất nước khiến họ không bao giờ có cảm giác an toàn”.
Một kỹ sư thực tập từ Sudan nằm trong số những người di cư phải đến Rwanda cho biết anh thà tự sát trong trại giam còn hơn bị đuổi đi: “Tôi sẽ tự sát trước khi bị trục xuất, nếu Anh quốc với tư cách là một chính phủ và một quốc gia không thể duy trì nhân quyền, thì ai sẽ làm đây?”
Theo Bộ Nội vụ, ông Biruta và bà Patel đã gặp các đại diện bao gồm Cao ủy tị nạn Filippo Grandi và phó Cao ủy nhân quyền.
Bộ cho biết hai bên củng cố “cam kết hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc về kế hoạch trục xuất” và “nhấn mạnh” kế hoạch sẽ được xử lý theo công ước về người tị nạn của Liên hợp quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP trước khi gặp các quan chức, ông Biruta thừa nhận “lo lắng xung quanh vấn đề này là tốt” và các cuộc thảo luận nhằm mục đích “đưa họ vào cuộc” để làm việc với hai nước.
Nhưng sau đó, ông Grandi cho biết trên Twitter rằng mình đã nhắc lại mối lo ngại về thỏa thuận trong cuộc họp: “Thay đổi trách nhiệm tị nạn không phải là giải pháp”.
Ông cho biết UNHCR “sẽ tiếp tục đề xuất các giải pháp cụ thể tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Trong một tuyên bố sau đó, ông Biruta nói: “Mặc dù UNHCR được quyền đưa ra quan điểm về mối quan hệ đối tác này, họ không có lý do gì để nghi ngờ động cơ của chúng tôi hoặc khả năng của chúng tôi trong việc cung cấp nơi trú ẩn và cơ hội cho những người cần chúng – như chúng tôi đã làm cho 130,000 người tị nạn. Chúng tôi hoan nghênh cơ hội thảo luận về mối quan hệ đối tác này với UNHCR để giải quyết lo ngại và nâng cao hiểu biết của họ về những gì đang được đề xuất”.
Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Trong quan hệ đối tác về di cư đi đầu trên thế giới của chúng tôi với Rwanda, những người thực hiện các chuyến đi nguy hiểm, bất hợp pháp hoặc không cần thiết đến Anh quốc được chuyển đến Rwanda và nếu được công nhận là người tị nạn, họ sẽ được hỗ trợ để xây dựng cuộc sống mới ở đó. Chúng tôi đang đưa kế hoạch này vào hành động và bắt đầu thông báo cho những người nằm trong diện phải di dời, với các chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra trong những tháng tới”.
Nguồn: The Metro
Tags: Định cư Anh Quốc, tị nạn, tin Anh Quốc